Cách vượt qua những nỗi sợ trong viết lách và phát triển bản thân.

Mình chưa từng viết về những nỗi sợ của bản thân trong việc viết – dù đây là công việc mà mình đang theo đuổi, đơn giản vì nó đau và ám ảnh. Trong tuần, mình có học một khoá trên Linkedin Learning về Personal Branding, có một gợi ý hay về việc xây dựng nội dung cá nhân trên mạng xã hội đó là hãy chia sẻ về những sai lầm, thất bại, nỗi đau của bản thân vì những điều đó sẽ giúp tạo sự đồng cảm và bài học cho độc giả.

Tình cờ, trong buổi workshop gần đây về việc “phản hồi” như thế nào trong công việc, mình cũng đã mạnh dạn nói ra một điểm yếu của bản thân mà chắc rằng người viết nào cũng đã từng gặp phải. Đó là việc chúng ta đối mặt như thế nào với feedback của người khác về bài viết/tác phẩm của mình.

Chỉ khoảng 2 năm trước, các bài viết của mình nhận về rất rất nhiều feedback và chê bai từ phía sếp/đồng nghiệp/khách hàng. Đối với người viết mà nói, điều đó thực sự khiến tâm trạng downmood và nản lòng. 1-2 lỗi thì còn được, đây thì hàng chục lỗi, khiến bài viết be bét và phải viết lại từ đầu. Áp lực thời gian, áp lực về chất lượng và tâm trạng đi xuống khiến cho những chữ tiếp theo cũng không thể hoàn hảo được ngay, và thế là lại một vòng lặp tiếp diễn. Nó khủng khiếp đến mức chính mình nghi ngờ năng lực bản thân, phải dừng lại và tự hỏi xem mình có thể viết được không? Có phù hợp với công việc này không, và mình đang cố gắng như vậy vì điều gì?

Đến nay, mình đã đi qua giai đoạn khó khăn đó, và trở nên tự tin hơn khi viết và trả lời những feedback của mọi người nhờ vào một vài bí kíp sau:

1- Xác định xem bản thân có thực sự phù hợp với công việc viết lách hay không? Bằng cách cho bản thân thời gian chiêm nghiệm về: mục tiêu của công việc này, niềm đam mê với việc viết, và thăm dò ý kiến của những người khác với các tác phẩm/bài viết của bạn.

2- Xác định xem ngách bạn đang theo đuổi có phù hợp với năng lực, khả năng chuyên môn và sở thích không? Viết lách có rất nhiều chủ đề/ngách khác nhau, có người thích viết về giáo dục, tâm lý, có bạn lại hợp với viết về tài chính hoặc công nghệ. Nếu chưa thể xác định được ngách phù hợp thì bạn có thể tự cảm nhận xem khi viết về chủ đề này, bạn có thấy vui vẻ, thấy hứng thú hay được là chính mình hay không? Có phù hợp với giá trị công việc mà mình theo đuổi không? Nếu không thể đáp ứng được những tiêu chí trên thì có thể bạn cần thử sức ở một chuyên môn khác. Điều quan trọng cần nhớ là: đừng đánh giá thấp bản thân mình, có thể đó chỉ là chưa phù hợp mà thôi.

3- Sau khi phân tích dựa theo 2 tiêu chí trên, phần còn lại, người viết như chúng ta cần tự phát triển nội lực cá nhân, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng viết để đáp ứng các tiêu chí ngày càng khắt khe từ khách hàng. Thêm vào đó, mình – sau rất nhiều những lo âu, đã tự chuyển hoá suy nghĩ bản thân theo những hướng tích cực hơn. Đó là nhờ vào những feedback đó, mình đã lớn hơn, học hỏi được thêm rất nhiều điều, hiểu về nhu cầu, mong muốn của khách hàng… là cơ hội để mình được rèn luyện. Mình đã từng nghĩ rằng: sao người ta cứ làm khó mình vậy? Mà chưa từng đặt địa vị vào sếp/hay khách hàng để xem điều họ thực sự mong muốn là gì? Đến nay thì mình cũng bắt đầu “giác ngộ” rằng khi đạt đến số giờ viết/số chữ viết/số bài viết nhất định thì tự nhiên người viết sẽ “thay đổi” tích cực hơn. Vậy nên đừng quá lo lắng vì con đường bạn đi ban đầu hơi trắc trở nhé.

Cách để không sợ điều gì đó là vượt qua nó, chỉ có cách đó thôi. Nó cũng là con đường mà mỗi người viết cần phải đi để khẳng định bản thân và lớn lên mỗi ngày. Chúng mình sẽ học được nhiều về khả năng không tưởng của bản thân và thấu hiểu khách hàng…

Hôm nay chủ nhật, tranh thủ ngồi học các khoá online dang dở và nghĩ về các kế hoạch 2024, mình tự cảm thấy năm nay học được nhiều bài học quá. Câu chuyện về nỗi sợ dừng lại ở đây, nếu bạn có cùng suy nghĩ như mình thì chúng ta high-five nha.


Comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *