Một vài câu mà mọi người hay động viên nhau đó là: cố gắng nhé, tự tin lên! Thật lòng biết ơn những lời quan tâm đó bởi vì trong các hoàn cảnh khó khăn, chúng mình có thể làm được gì hơn là cố gắng bước tiếp và tự tạo động lực cho mình.
Năm mình 22 tuổi, vừa ra trường đã bước ngay vào một môi trường làm việc chưa phù hợp, thấy mình ngày càng nhụt chí, vô dụng và dần dần mất đi ngọn lửa tuổi 20. Những ngày tháng đó, mình đã từng gửi email cho những người tin tưởng như giảng viên, anh chị em để mong mọi người có thể đưa cho mình một lời khuyên, hay thậm chí là chìa ra cho mình một cánh tay… để mình có thể tìm ra giải pháp nào đó cho hiện tại bức bối. Trong số đó có một vài người bạn nhắn tin nói: em cần lấy lại sự tự tin.
Thì ra trước đó mình đã từng rất tự tin: trong trường học, trong công việc làm thêm, trong việc làm cộng tác viên cho rất nhiều trang báo… Thế nhưng điều đó không có nghĩa rằng sự tự tin có thể theo chúng ta mãi mãi. Điều gì đã khiến mình mất tự tin đến thế trong suốt những năm qua? Nó có thể đến từ việc mình ở trong một môi trường chưa phù hợp, mình không phát huy được thế mạnh, và mình chưa thực sự nhận ra giá trị của bản thân.
Trước đây mình đi phỏng vấn tuyển dụng, thường tham gia với tâm thế của người đi xin việc nên hay lo lắng, rụt rè, thậm chí cố gắng để tỏ ra là mình rất phù hợp với vị trí và công ty đó chứ không phân tích ưu nhược điểm của công việc, của công ty để xem mình có thực sự hợp với nó không. Điều đó dẫn đến buổi phỏng vấn khá sượng, khi nhận được kết quả báo trượt thì mình thất vọng (làm tốt thế rồi vẫn không được); còn nếu kết quả là đạt, đi làm được một thời gian thì mình mới tá hỏa rằng giữa hai bên không có sự đồng điệu.
Khi lướt qua các trang tin tuyển dụng, thấy công ty nổi tiếng, vị trí liên quan tới ngành mình làm thì mình sẽ apply, lúc đó mình suy nghĩ đơn giản rằng mình có job title này rồi, thì ở đâu mình cũng sẽ làm được thôi, công việc ở đâu chả thế. Nhưng thực sự không phải vậy. Nếu mình vẫn giữ suy nghĩ đó, mình sẽ bị đóng khung trong một cái vị trí với tư duy/công việc như nhau giống như khi được hỏi tại sao em apply vào công ty này, câu trả lời sẽ là vì em thấy công ty tuyển dụng!
Vậy điều gì khiến mình thay đổi? Đó là khi mình nhận ra rằng mình cần cố gắng để tốt hơn, mình cần xây dựng sự nghiệp và mình không thể trông chờ vào ai ngoài bản thân mình… Đó là khi mình nhận ra giá trị của mình trong công việc – nó đáng quý đến mức nào.
Một lần mình chia sẻ với bạn là mình cảm thấy chưa được công nhận tại nơi làm việc, bạn mình đã thả rất nhiều reaction haha trong box chat và nói rằng: tại sao lại cần người khác công nhận mình trong khi đầu tiên phải là tự mình ghi nhận điều đó đã? Mình tự ghi nhận những nỗ lực của mình chính là một phần thưởng rồi. Ngẫm lại thấy cũng đúng, vì bản thân chúng ta thường có xu hướng chối bỏ những gì mình làm, những công sức mình tạo ra, không bao giờ dám tự thỏa mãn bản thân dù là trong vòng một vài phút, thế nhưng lại luôn hi vọng người khác đánh giá tốt về mình. Trong bầu cử/bình chọn cũng vậy, theo mình để ý thì nếu bạn được lựa chọn vào top những người có vị trí nào đó, thì kiểu gì lá phiếu công khai bạn cũng sẽ dành cho người khác chứ không phải cho riêng mình.
Trở lại với việc đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi về những công việc trước đây. Họ thường sẽ không quan tâm cho lắm đến các đầu việc, cái họ cần bạn chia sẻ là kết quả công việc, những cái độc đáo, nổi bật mà bạn đã tạo ra cho công ty trước. Đó là một cách để họ đang nhìn nhận giá trị bạn mang lại cho công ty đó. Mình thường nghĩ mình chỉ là một chuyên viên PR bình thường thôi, có gì đâu mà flex, nghề ngày lương thấp, mỗi công ty có một người thôi ấy mà, không liên quan gì đến mảng kinh doanh nên không được chú trọng đâu. Đó thực sự là những suy nghĩ “tự dìm” giá trị bản thân xuống mà mãi mình mới nhận ra.
Những người làm công việc như mình đang góp phần xây dựng thương hiệu bền vững cho doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với phóng viên, tòa soạn… quảng bá hình ảnh tới công chúng. Nghề này sẽ tạo ra những hình ảnh evergreen, mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần. Chẳng hạn như khách hàng, đối tác sẽ muốn mua hàng/hợp tác với một đơn vị chuyên nghiệp, thân thiện, bền vững hơn là những bên có vẻ không thấy công khai thông tin bao giờ… Việc của những người làm PR truyền thông làm sẽ có vẻ đều đều như vậy nhưng không có nghĩa là nó nhàm chán, nó vô nghĩa. Chỉ đến khi công ty cần đi pitching/M&A/go global, doanh nghiệp mới thực sự thấy sức mạnh của branding. Và đó là cách mà mình đang nhìn nhận đúng giá trị bản thân trong công việc mình làm.
Vậy nếu khi được an ủi rằng hãy tự tin lên và thay vì đặt câu hỏi tự tin bằng cách nào? Hãy bắt đầu bằng cách hiểu mình & trở thành người có giá trị.
Chào bạn, bạn đang đọc blog anneviet.com của Anne, đừng quên kết nối với mình qua các kênh sau nhé:
- Facebook: Anne Bui
- Email: [email protected]
Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo!
Để lại một bình luận