Nỗi sợ & niềm tin giới hạn là cái gì mà ai ai cũng nói tới khi bắt đầu hành trình phát triển bản thân?
Mình viết ra một đống nỗi sợ dễ như ăn kẹo, viết phăng phăng không cần nghĩ, rồi quay lại tự hỏi liệu mình có sợ quá nhiều không vậy? Tương tự thế, mình lại có thể viết ra một lèo hàng chục cái gọi là niềm tin giới hạn, như thể mấy cái đó nó tự nhiên như hơi thở. Càng bóc tách từng lớp mới thấy mình như củ hành tây, càng bóc càng thấy “dễ khóc”.
Khi phân tích từng yếu tố một, mình thấy có thể trên đời này không có một người thứ 2 như mình, có lẽ biên được thành sách lấy tên là “Cuộc đời khổ đau vì chứng tự suy diễn của bà Anne tóc ngắn”. Nhân tiện đây ai hứng thú với cuốn sách này thì ping lẹ đi chứ thấy cuốn này chắc trúng nỗi đau nhiều người.
Có một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về một chú voi con bị cột vào hàng rào. Chú cứ kéo mãi mà không thể làm đứt dây hay đổ hàng rào. Vì vậy chú đành chịu thua và chấp nhận rằng số phận mình sẽ mãi mãi bị trói vào đó. Rồi chú lớn lên với bốn chân to lớn, cặp ngà dài và chiếc vòi khỏe thừa sức giúp chú nghiền nát cái hàng rào. Nhưng vì nghĩ cái hàng rào không thể suy chuyển, chú vẫn đứng im và tin rằng mình không bao giờ có thể thoát ra.
Đó là một câu chuyện để minh họa cho niềm tin giới hạn, vậy niềm tin giới hạn là gì?
Niềm tin hạn chế (limiting belief) là những quan điểm sai lầm ngăn cản chúng ta theo đuổi các mục tiêu và mơ ước của mình.
Theo How to Overcome Your Limiting Beliefs (Mark Manson), có 3 kiểu niềm tin hạn chế phổ biến:
1. Niềm tin hạn chế về bản thân khiến bạn không thể làm gì, vì luôn có điều gì đó rất “sai” với bạn.
2. Niềm tin hạn chế về thế giới khiến bạn không thể làm gì, vì không ai cho phép bạn làm.
3. Niềm tin hạn chế về cuộc sống khiến bạn không thể làm gì, vì thấy cái gì cũng quá khó.
Niềm tin giới hạn đôi khi cản bước chúng ta không dám thoát khỏi một mối quan hệ độc hại, hay khiến chúng ta dằn vặt về công việc hiện tại; tuy nhiên không phải niềm tin giới hạn nào cũng xấu, bởi trong nhiều trường hợp nó giúp chúng ta tránh làm những việc dại dột.
Mình có một niềm tin giới hạn như thế này:
Nhiều người hay nói PR là một nghề cần sự “bóng bẩy”, nhìn phải “chuyên nghiệp”, hay nói tóm lại là cần biết “làm màu”.
Cũng nhiều người nghĩ viết PR là cái gì đó cao siêu lắm, không với tới được, cái gì cần PR nghĩa là cái đó cần được thổi phồng với tốn tiền lắm đấy.
Cũng bởi mọi người cứ nói PR vậy & mình tin vào điều đó, nên mình luôn tự nghi ngờ bản thân không đủ giỏi, cho rằng mình đang chọn sai ngành và nhiều lần muốn rẽ sang hướng khác (hàng ngày tự chất vấn rồi soi gương rất lâu, kết quả là chưa thấy mình bóng bẩy với làm màu ở đâu, nhìn mãi chỉ thấy béo – rồi lại buồn gấp 2).
Thế nhưng mình vẫn đang tập trung làm tốt công việc của bản thân, hoàn thiện việc viết lách mỗi ngày. Bóng bảy hay thổi phồng không phải là tính từ hay dùng để mô tả một công việc hay một ngành nghề, càng không phải tiêu chuẩn để đánh giá một người làm tốt hay không. Nếu mà đã người thích bóng bẩy, thì làm gì chả bóng bẩy được, đâu cần phải chờ đến làm PR mới thế đâu.
Và cuối cùng thì, hãy tự nhủ rằng: những điều ngớ ngẩn ấy sẽ không bám theo bạn cả đời được đâu vì khi bạn thay đổi (tốt hơn chẳng hạn) thì niềm tin cũng sẽ thay đổi theo. Sẽ không dễ dàng để từ bỏ hay chuyển hóa một niềm tin nhưng nó đáng, chỉ khi nhìn lại quãng đường đã qua chúng ta mới nhận ra mình đã từng… như thế nào phải không ạ? Giờ đây khi đã nhận ra niềm tin giới hạn là gì, thì cứ mạnh mẽ đối mặt trực diện và gỡ rối dần dần, đừng khóc quá nhiều ạ.
Chào bạn, bạn đang đọc blog anneviet.com của Anne, đừng quên kết nối với mình qua các kênh sau nhé:
- Facebook: Anne Bui
- Email: [email protected]
Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo!
Để lại một bình luận