Mình đã đi qua cây cầu này gần 365 ngày/năm, ngắm hoàng hôn không thiếu một chiều nào. Mình đi theo mặt trời từ lúc nó treo trên ngọn cây trong công viên, đứng trên đỉnh toà nhà, núp đằng sau toà GS1, đi ngang qua chiếc cần cẩu của một công trình dở dang và dõi theo mình tới trường mầm non của con gái.
Ngày nắng, trời đẹp, mặt trời như lòng đỏ trứng gà, khiến mình thấy vui tươi háo hức. Ngày mưa, không thấy mặt trời, chỉ có gió và lạnh, cảm giác bất an tràn về.
Mình đã đi theo mặt trời lâu vậy rồi mà chưa bao giờ đứng lại để chụp một bức ảnh, cứ tự an ủi là thôi để ngày khác, để khi nào ngồi phía sau. Tự dưng hôm qua, mình dừng xe và chụp – một khung cảnh đẹp đẽ nhất trong lòng mình.
Đi theo mặt trời cũng là cách để mình nghĩ về đam mê trong công việc/sự nghiệp và cuộc sống.
Khi mới ra trường, nhìn thấy bạn bè hay người thân say sưa với công việc của họ, mình nghĩ: vì đam mê đấy. Thế là mình mù quáng đi tìm đam mê của bản thân nhưng tìm hoài không thấy. Mình mang nỗi lòng này chia sẻ với nhiều người và thường mọi người sẽ hỏi lại là: vậy em thích làm điều gì nhất? Mình bất lực và thấy nó như một vòng lặp.
Khi mình làm một điều gì không tốt, ở trong một môi trường không phù hợp… mình ngay lập tức đổ lỗi cho đam mê: đó không phải đam mê của mình rồi, tìm kiếm tiếp đi.
Mình luôn ngưỡng mộ những người sống vì đam mê, tìm thấy đam mê của mình từ sớm, như chồng và em trai. Khi em trai mình quyết định sẽ trở thành hoạ sĩ, không chọn con đường lập trình viên, mình hỏi nó là em chắc chưa? Nó quả quyết là: em mới 20 tuổi, không bây giờ thì bao giờ? Thế là mình ủng hộ nó 100%. Chồng mình chính là đỉnh cao của người làm việc vì đam mê, đã từng lên báo phát biểu rằng: đam mê là thứ mà bạn có thể làm sau 10h đêm – nghĩa là phải yêu thích lắm mới có thể thức để học và làm trong khung giờ đó mỗi ngày.
Và thế là cái thôi thúc tìm kiếm đam mê nó lại làm mình mắc kẹt (thêm lần nữa). Thế nhưng kiểu như khi nỗi đau đủ lớn, sẽ có cách giải quyết.
Đó là mình từ bỏ – từ bỏ việc đi tìm kiếm đam mê vì mình mệt (với cả chả cần nữa).
Thực ra (theo cuốn Kỹ năng đi trước đam mê):
Ý tưởng về việc tìm kiếm một công việc gắn liền với đam mê quả thật có thể dẫn tới bất ổn và thất vọng.
Khả năng tìm kiếm hạnh phúc và sự hài lòng trong công việc về cơ bản có lẽ chẳng hề xuất phát từ đam mê.
Đam mê cực kỳ hiếm và nguy hiểm – đừng theo đuổi đam mê
Hãy giỏi đến mức người khác không thể phớt lờ bạn (be so good they can’t ignore you).
Có 2 cách tiếp cận nhau khi nghĩ về công việc: đó là tư duy thợ lành nghề (craftsman mindset): tập trung vào giá trị mà bạn tạo ra trong công việc và tư duy đam mê (passion mindset) tập trung vào giá trị mà công việc mang đến. Đa phần mọi người nuôi dưỡng tư duy đam mê nhưng trong thực tế, tư duy thợ lành nghề mới là nền tảng tạo ra công việc yêu thích.
Tốn 10.000 h để đạt được mục tiêu trở thành thợ lành nghề, nhưng nhất định cần luyện tập chủ động (deliberate practice).
Vậy nên, khi ngừng tìm kiếm đam mê mình lại thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, dành thời gian để làm việc, chia sẻ và tạo ra giá trị.
Xây dựng cho mình một sứ mệnh nhỏ thôi cũng được để có được sự tập trung và thống nhất trong sự nghiệp và tạo ra tác động mạnh mẽ. Thay vì nghĩ: tôi là ai, tôi đam mê điều gì, hãy nghĩ rằng: so good they can’t ignore you.
Yeah, mời mọi người ngắm hoàng hôn.
Chào bạn, bạn đang đọc blog anneviet.com của Anne, đừng quên kết nối với mình qua các kênh sau nhé:
- Facebook: Anne Bui
- Email: [email protected]
Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo!
Để lại một bình luận