Có một em tâm sự: sếp đọc bài của em rồi nói nó trôi tuồn tuột không đọng lại được tí gì.
Một người bạn nhắc về một chuyện cũ thời đại học mà mình không sao nhớ được, trong đầu không còn chút mảnh ký ức.
Có cô bạn thời đại học comment dưới một bài blog của mình là: vẫn chăm chỉ và giỏi như xưa, làm mình tủm tỉm mãi.
Trong những giấc mơ trở đi trở lại, bà nội vẫn luôn là người nấu món canh cà chua ngon nhất. Những hình ảnh về bà dày đặc trong bộ nhớ & giấc mơ của mình đến mức chỉ cần đứng vào bếp, tất cả ký ức hiện lên rõ mồn một: rau này nhặt thế nào, nhặt xong xếp bằng bặn làm sao, cà chua thái thế nào, cho vào nồi thứ tự ra làm sao…
Những mẩu chuyện trên gợi cho mình nghĩ về dấu ấn. Là dấu ấn của một bài viết, một câu chuyện, một người nào đó đối với bạn…
Trong một buổi học gần đây, mentor hỏi mình là: nếu em cần phải giới thiệu chị với bạn của em, em sẽ giới thiệu thế nào? Ngay lập tức mình bật ra luôn câu trả lời, rồi mình cũng nhận ra điều mình vừa nói chính là dấu ấn của chị để lại trong tâm trí mình.
Dấu ấn quan trọng không? Chắc chắn rồi, đó có thể là lần đầu tiên chạm “mặt nhau” giữa khách hàng với người viết thông qua portfolio, qua bài giới thiệu, hay lời chào từ zoom. Cũng có thể phải trải qua quá trình làm việc lâu dài, dấu ấn mới được hình thành: bạn này viết cảm xúc nhưng hay trễ deadline, bạn kia viết nhanh nhưng ẩu lắm…
Trong một video YouTube đang khá nổi gần đây nói về việc: vì sao bạn luôn thấy mình kém cỏi? Anh Duy Thanh Nguyen có nói tới cách chúng ta nên học hỏi phát triển bản thân đó là hỏi những người xung quanh cảm nhận về bạn. Một vài lần đầu khi người khác đưa ra cái nhìn tích cực, có thể bạn rất vui, ngược lại, khi người khác nói thẳng nói thật, bạn có thể sẽ lo lắng. Tuy nhiên cách này sẽ giúp chúng ta nhận ra mình đang “như thế nào”, dấu ấn của mình ra sao trong mắt mọi người để cân đối thay đổi hay nâng cấp bản thân.
Ai cũng mong được để lại dấu ấn tốt đẹp, mình cũng vậy. Ngẫm ra thì những dấu ấn chúng ta mong muốn thường là các tính từ như giỏi, thông minh, xinh đẹp, lạc quan, vui vẻ, năng lượng… chứ cũng không mấy khi gắn cụ thể với công việc/sự nghiệp hay thậm chí là ngách mà bạn theo đuổi. Ví dụ, mình hay tự giới thiệu mình là một người viết PR, thì dấu ấn của mình trong mắt bạn bè là: thấy nó có vẻ chăm chỉ viết hoặc thấy nó viết cũng hay đấy; hay là qua cách viết thấy bạn ấy cũng thật thà; cũng có thể là thấy cô ấy chuyên nghiệp nè… Như vậy, thực chất điều mà người khác nghĩ về chúng ta chính là những giá trị cốt lõi chứ không phải điều gì quá xa xôi.
Tuy nhiên, mình vẫn tham lam xin thêm rằng, mình mong và mình đang thực hiện để những bài viết của mình có-dấu-ấn; sự nghiệp của mình để-lại-dấu-ấn.
Ai viết lách cũng mong những chữ mình viết ra sẽ có thể kiếm được tiền, đem lại giá trị hoặc đạt được lượng view lớn đến mức viral. Mình thì ngược lại một chút vì mong mình thể hiện được cá tính riêng qua mỗi bài viết, để ai cũng có thể nhận ra dấu ấn của mình trong đó. Chẳng hạn như mình sẽ rất vui nếu có ai đó đọc bài PR/đọc blog ở đâu đó và hỏi: bài này em viết đúng không? Chị thấy giọng em trong đó. Dấu ấn này sẽ là một “món quà” với những người viết kiếm sống như mình, mà chỉ có chúng mình mới cảm thấy hạnh phúc khi nhận được những bất ngờ kiểu thế. Nam Cao viết trong Đời Thừa là Hộ mong ước có một tác phẩm đạt giải Nobel; nhưng Hộ không biết là để được giải thưởng đó, Hộ phải có màu sắc độc nhất vô nhị giữa một tỷ người. Vì vậy, dấu ấn trong một bài viết, một tác phẩm là điều cần thiết và quan trọng, nó sẽ góp phần định hình phong cách cá nhân và bản sắc của người viết, từ đó giúp xây dựng sức ảnh hưởng riêng trong lĩnh vực bạn theo đuổi.
Một vài ngày trong tuần mình sẽ dậy sớm để thực hành morning routine, có một phần là vẽ ước mơ của mình lên giấy. Đây là phần khó nhằn nhất với mình, nhưng sau đó mình biết nghĩ hơn về tương lai, nghĩ cho những mong ước vùi kín của mình từ bao lâu. Thế là mình bắt đầu mong muốn và vẽ ra những dấu ấn của mình trong một vài năm sau.
Thực ra bài này được viết ra sau khi mình đọc được một lời nhắn trong cuốn sách của con gái. Thi thoảng mình hay săn sách thiếu nhi cũ từ nước ngoài, lần này là bộ Olivia siêu nổi tiếng. Khi mở ra mình thấy thật ngạc nhiên khi những dòng trong sách được viết ra từ năm 2000 – nghĩa là nó & cả cuốn sách ấy đã 24 tuổi đời. Mình bị ấn tượng ngay lập tức, và coi đó là một tín hiệu vui để nhắc nhở bản thân rằng: mỗi dấu ấn bạn để lại tại một nơi nào đó, với một người nào đó sẽ có thể kéo dài lâu đến thế nào, mang đến những điều tích cực đẹp đẽ đến nhường nào.
Đặt tâm sức vào bài viết, hãy nghĩ về giá trị của thứ bạn trao đi, dù là cho chính mình, cho người đọc hay cho khách hàng; đừng làm mọi thứ một cách hời hợt cho xong, đó là một cách tạo dấu ấn.
Chào bạn, bạn đang đọc blog anneviet.com của Anne, đừng quên kết nối với mình qua các kênh sau nhé:
- Facebook: Anne Bui
- Email: [email protected]
Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo!
Để lại một bình luận